Xã Phúc Thành thuộc huyện Yên Thành, cách quốc lộ 7B 7km về phía bắc, địa hình trải rộng, giáp với nhiều xã như: Hậu Thành, Hùng Thành, Kim Thành, Văn Thành, Đồng Thành. Là xã bán sơn địa nên các loại hình hồ đập, sông, núi, đồng ruộng vô cùng phong phú, hùng vỹ và hữu tình. Người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên cuộc sống thanh bình, yên ả, mộc mạc, chân chất và hiếu khách.
Trên địa bàn xã còn lưu giữ nhiều di tích đền, chùa miếu mạo có giá trị lịch sử: Đền Đức Hoàng, Nhà thờ Trần Đăng Dinh, Đình Hương, Đền Đệ Tam, Chùa Thiên Tạo,… Trong đó nổi bật lên là Đền Đức Hoàng. Đền nổi tiếng linh thiêng không chỉ đối với người dân huyện Yên Thành mà còn lan tỏa cả tỉnh Nghệ An. Nơi đây trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, đậm đà bản sắc văn hóa của mọi người dân cả nước.
Đền gắn với câu chuyện “ông cụt bàu Canh, bầu lành bàu Ác”: truyện xưa kể rằng ở làng Diệu Ốc thuộc xã Gia Lạc, tổng Quan Triều (nay là làng Diệu Ốc, xã Phúc Thành) có đầm nước rộng khoảng 20 mẫu, nhân dân gọi là bàu Ác (một số thư tịch cổ gọi là Đầm Ô). Đầm có nhiều hoa sen đẹp không kém cảnh ao Thái Dịch trong kinh thành. Trong làng có hai vợ chồng nông dân ăn ở phúc đức nhưng mãi mà chưa có con. Một hôm người vợ xuống tắm dưới đầm, bỗng thấy một luồng khí lạ ám vào người, như có sự giao cảm với thần thánh, mơ màng như thấy rồng phủ, về nhà thấy có rớt rồng bám trên người. Sau đó người vợ có thai, sinh ra hai quả trứng, nở ra hai con rắn. Hai vơ chồng vô cùng yêu quý hai đứa con. Hai con rắn cứ thế lớn lên và rất khôn, đi đâu cũng theo giúp bố mẹ, sớm tối không rời. Một hôm trong lúc cuốc ruộng, người cha đã vô ý chặt đứt đuôi một con rắn. Bị cụt đuôi, con rắn ngỡ ngàng giận dữ phùng mang và dựng ngược lên nhìn thẳng vào người cha. Người cha vừa thương con, vừa sợ hãi, quỳ xuống và nói: “Phụ bái tử, phụ bái tử” (cha lạy con). Rắn cụt đau đớn bỏ đi. Nơi gò đất người cha quỳ sau này gọi là cồn “Bái tử phong”.
Rắn cụt đi về hướng đông, qua đầm Quỳ Trạch, đến giữa đồng thì quằn quại vùng vẫy, máu rỏ ra đỏ cả vùng đồng rộc, nơi rắn quẫy thành cái bàu nước, người dân gọi là bàu Canh (nay thuộc xã Đức Thành). Sau nó bò lên khe nước đầu nguồn và chết ở đó, nơi ấy được gọi là Khe Thần. Thương con, hai ông bà lần theo dấu vết đi tìm, đến mé rừng, người mẹ kiệt sức nằm lại, khu rừng ấy sau này gọi là Ngàn Nhà Bà. Người cha gắng gượng đi tiếp, gần đến Khe Thần, cũng kiệt sức nằm lại, khu rừng ấy sau này gọi là Ngàn Nhà Ông.
Tượng mẹ người bồng 2 con rắn ở đền Cạnh Hạ- xã Đức Thành
Con rắn lành ở lại bàu Ác, buồn vì người anh em và cha mẹ bỏ mình mà đi, nó bò lên bờ bàu Ác và chết. Tương truyền rằng, anh em nhà rắn sau khi chết đều hóa thành những vị phúc thần. Có những đêm hè nóng nực, người dân nằm ở trong nhà nghe tiếng lá cây rung lắc mạnh, nghe rõ tiếng di chuyển ào ào như gió thổi, sáng ra thức dậy thì thấy cây cỏ đổ rạp theo lối đi kéo dài từ trên rừng xuống tận bàu nước. Người dân cho rằng đó là dấu của rắn thần về tắm mát. Hoặc những lúc đi ngang qua các khu rừng rậm rạp, nghe có tiếng gió thổi u u là lúc thần hiện. Vào những kỳ đại hạn, có gió Lào (bão Lào), các đồng rộc khô nứt nẻ, đến bàu Canh và bàu Ác để khấn nguyện thì lập tức sẽ có mưa thuận gió hòa. Những lúc lũ lụt lớn, người dân đến bàu Canh và bàu Ác làm lễ khấn nguyện thì sẽ giảm tránh được các đại họa do thiên tai gây ra. Do đó, nhân dân trong vùng tôn xưng rắn thần là “ông” và lập đền thờ ông cụt ở bàu Canh, đền thờ ông lành ở bàu Ác. Từ đó trong dân gian có câu chuyện “ông cụt bàu Canh ông lành bàu Ác”.
Bên cạnh bàu Ác, làng Diệu Ốc (sau đổi tên là Bàu Diệu Ốc, xã Phúc Thành), nơi ông lành chết có gò mối đùn lên, nhân dân đã khoanh nền và lập đền thờ, tôn ông lành làm Thành hoàng của làng Diệu Ốc, nên còn có tên gọi là Đền Hoàng.
Đền Đức Hoàng- xã Phúc Thành
Đền nằm ẩn mình trong khu rừng nguyên sinh rộng lớn, xanh mát tại xóm Hồng Phong, xã Phúc Thành. trước mặt và bên phải là Hồ Diệu Ốc bốn mùa sen tỏa hương thơm mát. Sách Đông Thành phong thổ ký có đoạn chép “đầm ở tây Nam thôn Diệu Ốc thuộc xã An Lạc, tổng quan triều. Đứng mà trông, trên đất giáp chân núi, dưới giáp đồng bằng, chu vi phỏng 20 mẫu gọi là đầm Thủy Ô (Bàu Ác). Đầm nở nhiều hoa sen không kém cảnh ao Thái Dịch (ao trong kinh thành nhà vua) lúc đó có kẻ đi tìm sen mà ngụ cái thuyết yêu sen, bước đi sinh ra hoa sen mà gửi hứng ở con thuyền hái sen”.
Hồ sen Diệu Ốc- Đền Đức Hoàng, xã Phúc Thành
Ban đầu đền chỉ thờ thần rắn (ông lành) nên có tên là Đền Hoàng. Năm 1505 đền được sửa sang, mở rộng để thờ các vị thần linh có công “bảo quốc hộ dân” nên đổi tên là Đền Đức Hoàng. Trong các vị thần được thờ tại đền thì nhân vật trung tâm là Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn.
Ông tên thật là Hoàng Ngọc Liêu, tự Hoàng minh. Tước hiệu: Chàng lại Đại vương tướng quân. Mĩ hiệu: Tô Đại Liêu. Ông sinh ra tại thôn Vạn Phần, nay thuộc xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, trong 1 gia đình làm nghề chài lưới, cha họ Hoàng (không rõ tên), mẹ họ Trương, gốc ở Lý Trai nay thuộc xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu. Từ nhỏ ông đã khỏe mạnh, lớn lên lại có sức vóc hơn người, có tài bơi lội, giỏi võ nghệ.
Năm 1258, khi quân Nguyên – Mông sang xâm lược nước ta, nhà Trần đã tổ chức “Hội nghị Diên Hồng” nhằm đưa ra kế sách đúng đắn và kêu gọi nhân dân cả nước đồng lòng đứng lên đánh đuổi quân giặc, giữ vững độc lập cho nước nhà. Đáp lại lời kêu gọi đó, Hoàng Tá Thốn đã từ giã quê hương ra Thăng Long nhập vào đội quân thủy chiến của nhà Trần. Nhờ có tài bơi lội, sức khỏe phi thường và lòng dũng cảm, mưu trí ông đã lập được nhiều chiến công trong các trận đánh và tìm được nhiều thuyền của giặc. Đặc biệt là trong trận Bạch Đằng 1288, ông đã dùng mưu giết được Ô Mã Nhi ở biển Đông nên được nhà Trần phong cho làm “Sát Hải Chàng Lại Tướng Quân” .
Sau khi dẹp được giặc Nguyên, đất nước thanh bình, ông được vua Trần giao cho thống lĩnh các đạo thủy binh, trấn giữ 12 cửa biển từ Hải Phòng cho đến Hà Tĩnh. Vâng mệnh triều đình, một mặt ông cùng các con trai xây dựng các vùng trạm, trại, căn cứ khắp vùng Nghệ Tỉnh để canh gác, bảo vệ vùng biển và lãnh thổ nước nhà. Hoàng Tá Thốn đã huấn luyện được đội quân thiện chiến, nhiều lần đánh tan bọn cướp biển giữ yên cuộc sống thanh bình cho nhân dân.
Trong thời kỳ ở tại quê hương, thấu hiểu và thông cảm với cuộc sống nghèo khổ của người dân nghề sông nước, ông đã cùng các con của mình đưa cư dân ven biển Vạn Phần lên vùng đất Yên Thành khai khẩn đất đai, lập làng, mở trường dạy học, dạy cho dân biết làm ruộng...
Hoàng Tá Thốn qua đời ngày mồng 1 Tết Nguyên đán năm 1314, thọ 72 tuổi. Để tỏ lòng biết ơn trước những công lao to lớn của Hoàng Tá Thốn, vua tôi nhà Trần đã cho thuyền rồng chở linh cữu của ông về mai táng tại thôn Vạn Phần (Diễn Vạn, Diễn Châu) và truy phong cho ông tước hiệu “Đại Liêu Thiên Bồng Đại Tướng Quân” và ra sắc chỉ, cấp kinh phí cho nhiều địa phương cùng lập đền thờ, trong đó có đền Đức Hoàng.
Để tưởng nhớ công lao của Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn và để bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa tinh thần mà cha ông để lại, cũng như đáp ứng nguyện vọng đời sống văn hóa tâm linh cộng đồng, cầu nguyện cho ‘quốc thái dân an”, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu thì từ ngày 29/1-2/2 âm lịch hằng năm tại đền Đức Hoàng sẽ diễn ra lễ hội với phần lễ long trọng, trang nghiêm và phần hội có nhiều trò chơi dân gian, hiện đại vui vẻ, bổ ích.
* Phần lễ gồm:
- Lễ Khai quang (mộc dục): diễn ra vào ngày 29/1 âm lịch, lúc này sẽ lau rửa tượng thần bằng nước ngũ vị hương (nước thơm). Sau đó thắp hương xin các vị thần linh yên vị, sắp xếp lại đồ tế khí trong đền (dùng văn tấu).
- Lễ Yết cáo: diễn ra vào ngày 30/1 âm lịch. Báo cáo với các vị thần linh nội dung chương trình mở lễ hội, mời các vị thần linh về dự hội.
Lễ Yết cáo tại lễ hội Đền Đức Hoàng-xã Phúc Thành
- Đại lễ: diễn ra vào ngày 1/2 âm lịch. Gồm:
+ Lễ rước. Bắt đầu từ giờ thìn (7h15’), xuất phát từ đền đi vòng quanh hồ sen trở về đền (2km).
Lễ rước tại lễ hội Đền Đức Hoàng-xã Phúc Thành
+ Vào 10h cùng ngày tại đền chức sắc xã đọc diễn văn lễ hội và đánh trống khai hội.
Đánh trống khai hội lễ hội Đền Đức Hoàng-xã Phúc Thành
+ 12h là lễ đại tế, tưởng nhớ công ơn công lao của Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn.
Lãnh đạo huyện dâng hương tưởng nhớ công lao của các vị thần
- Lễ tạ: diễn ra vào 16h ngày 2/2 âm lịch, yết cáo với các vị thần linh về công việc lễ hội và xin các vị thần linh phù hộ cho “quốc thái dân an”.
* Phần hội gồm các trò chơi dân gian và hiện đại như: kéo co, đẩy gậy, đu, chọi gà, hát ví dặm, đua thuyền, đi cầu khỉ, cờ người, bóng đá, bóng chuyền, cắm trại…
Đua thuyền rồng tại lễ hội Đền Đức Hoàng-xã Phúc Thành
Lễ hội Đền Đức Hoàng là lễ hội lớn nhất hiện nay của huyện Yên Thành.
* Kiến trúc Đền Đức Hoàng: Đền được xây dựng thời nhà Trần với kiểu thiết kế gồm 3 tòa bố trí theo kiểu chữ tam ( ), gồm Thượng – trung – hạ điện tạo thành một tổng thể thống nhất. Ngoài ra đền còn có các kiến trúc khác như cổng đền, sân đền, vườn đền,… Kiến trúc xây dựng, họa tiết trang trí, bài trí các gian thờ, các pho tượng thờ… đều mang nét đặc sắc riêng và có giá trị văn hóa nghệ thuật cao. Đặc biệt phong cảnh xung quanh làm cho ngôi đền vừa cổ kính, trang nghiêm vừa hữu tình, nên thơ.
Đền có quy mô kiến trúc không lớn nhưng nổi tiếng linh thiêng không chỉ đối với người dân trong xã, huyện mà con lan rộng ra khắp tỉnh Nghệ An, bởi vậy nơi đây đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh đậm đà bản sắc văn hóa xứ Nghệ.
Chính vì những giá trị lịch sử, giá trị văn hóa tâm linh mà năm 1998, đền Đức Hoàng được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia (tại Quyết định số 95/QĐ- BVHTT ngày 24/01/1998 của Bộ Văn hóa - Thông tin).
Để bảo vệ các giá trị di sản văn hóa mà cha ông từ ngàn đời xưa để lại, cũng là để tăng thu nhập và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên địa bàn xã. UBND xã Phúc Thành kết hợp với công ty du lịch Sắc Việt (Sắc Việt travel) phát triển khu di tích lịch sử Đền Đức Hoàng thành khu du lịch sinh thái tâm linh. Mở ra một cánh cửa mới về du lịch của xã Phúc Thành nói riêng và huyện Yên Thành nói chung.
Du khách khi đến với khu du lịch sinh thái tâm linh Đền Đức Hoàng không chỉ được trải nghiệm tâm linh, ngắm cảnh núi non hùng vĩ, sen nở bốn mùa mà còn được tham dự vào các trò chơi dân gian tại lễ hội Đền Đức Hoàng
Trải nghiệm trò chơi đáu vật tại lễ hội Đền Đức Hoàng, xã Phúc Thành
Hay trải nghiệm các hoạt động câu cá, chụp hình, ẩm thực, hát dân ca ví dặm…
Trải nghiệm câu cá
Trải nghiệm ẩm thực
Trải nghiệm chụp hình tại hồ sen Diệu Ốc
* Khu du lịch sinh thái tâm linh Đền Đức Hoàng đảm bảo đầy đủ các nội dung:
- Có đội ngũ nhân viên bảo vệ, phục vụ, ban quản lý đông đảo, nhiệt tình, chuyên nghiệp.
- Có bãi đỗ xe ô tô riêng, xe máy riêng. Khuôn viên rộng rãi, nằm ngoài khu vực đền.
- Có hệ thống thông tin liên lạc, kết nối internet (có phủ sóng Wifi phủ sóng tại khu vực đền).
- Có hệ thống thu gom và phân loại rác thải ngay từ đầu nguồn. Có nhân viên vệ sinh nên rác thải luôn luôn được thu gom sạch sẽ và vận chuyển ra khỏi địa bàn 3 lần/tháng.
- Có khu vệ sinh công cộng dành cho nam, nữ riêng bảo đảm sạch sẽ và trang thiết bị vệ sinh đầy đủ.
- Có đầy đủ hệ thống điện để đảm bảo chiếu sáng và phục vụ các hoạt động khác.
- Có hệ thống nước sạch (lấy giếng nước khơi) phục vụ các nhu cầu tại khu du lịch.
- Trong đền có khu vực dành riêng cho du khách sắm lễ - biện lễ và hành lễ.
- Có nhà đón tiếp; có dịch vụ cung cấp tài liệu và lễ vật cho khách đến làm lễ tại đền.
- Có sơ đồ chỉ dẫn, thuyết minh về di tích.
- Có hệ thống phòng cháy chữa cháy, có phương án phòng cháy chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Có các hoạt động trải nghiệm bổ ích, phù hợp với mọi lứa tuổi.
- Xung qunh khu du lịch có các nhà hàng với những món ăn ngon, dân dã hay các khách sạn, cửa hàng tiện lợi, chụp hình, cho thuê trang phục…. đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách tham quan.
* Khu du lịch sinh thái tâm linh Đền Đức Hoàng cách thành phố Vinh 58km. Để đến tham quan, quý khách có thể di chuyển bằng đường bộ theo 2 tuyến chính:
- Đường thứ nhất: Từ thành phố Vinh đi theo quốc lộ 1A (hướng Vinh – Hà Nội), khoảng 45km tới ngã 3 cầu Bùng (phía bắc thị trấn Diễn Châu), rẽ trái theo đường quốc lộ 7B, khoảng 13km, đến ngã tư đèn xanh đỏ đầu tiên ngay quảng trường Phan Đăng Lưu, theo bảng chỉ dẫn rẽ phải sang xã Văn Thành, đi khoảng 7km là đến di tích.
- Đường thứ hai: Nếu đi từ Đô Lương xuống thì đến ngã 3 xã Công Thành, rẽ phải vào đường quốc lộ 7B, đi khoảng 12km nữa, du khách đến ngã tư đèn xanh đỏ thứ hai, ngay quảng trường Phan Đăng Lưu rồi rẽ trái về xã Văn Thành đi khoảng 7km là đến di tích.
Du lịch sinh thái tâm linh Đền Đức Hoàng- nơi trải nghiệm các giá trị văn hóa!!!
Địa chỉ: Xóm Hồng Phong, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An