Sáng 22/11 (tức 10/10 âm lịch), tại di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Chợ Củi (xã Xuân Hồng), huyện Nghi Xuân tổ chức lễ giỗ Đức thánh quan Hoàng Mười. Tham dự có lãnh đạo các sở ban ngành cấp tỉnh và huyện Nghi Xuân.
Đại biểu tham dự.
Đền Chợ Củi còn có tên chữ là Thánh Mẫu Linh từ, đền được xây dựng vào thời Hậu Lê có cấu trúc theo kiểu chữ Tam gồm các hạng mục tam quan, hạ điện, trung điện và thượng điện, mặc dù đã trải qua nhiều lần tôn tạo nhưng vẫn giữ lại nét xưa, trang nghiêm thần bí, hài hòa với cảnh quan sông núi.
Đền Chợ Củi là địa điểm tâm linh nổi tiếng ở Hà Tĩnh. Nơi đây có vị trí đắc địa, lưng tựa núi Hồng Lĩnh, bên cạnh là dòng sông Lam thơ mộng. Đền Chợ Củi là nơi thờ ông Hoàng Mười, một nhân vật gắn bó với người dân xứ Nghệ.
Lễ tế tổ chức trang nghiêm.
Lễ giỗ năm nay được tổ chức quy mô cấp huyện.
Chuyện kể rằng, Hoàng Mười là tướng tài của nhà Lê, ông được giao cho trấn giữ vùng đất Hoan Châu, ông đã có công giữ yên bờ cõi, chăm sóc vỗ về dân chúng làm ăn sinh sống. Sau khi ông gặp nạn mất, quân sĩ và dân làng chưa kịp mai táng thì thi hài ông được mối đùn lên đắp thành mộ, dân trong vùng lập đền thờ ông ở núi Ngũ Mã. Thác rồi nhưng ông vẫn rất linh thiêng, thường hiển thánh cứu giúp muôn dân, mọi người đến cầu nguyện đều được ông linh ứng, phù hộ.
Cảm phục và biết ơn, người dân nơi đây đã lập đền và suy tôn ông là Đức ông Hoàng Mười, lấy ngày 10/10 âm lịch hàng năm là ngày giỗ Đức quan Hoàng Mười.
Đông đảo người dân thập phương về lễ giỗ.
Một truyền thuyết khác về ông Hoàng Mười được dân gian đồng nhất là Uy Minh vương Lý Nhật Quang, con trai thứ tám của vua Lý Thái Tổ từng làm Tri châu Nghệ An có nhiều công lao trong việc giữ gìn bờ cõi, vỗ yên dân chúng làm ăn sinh sống đã lưu lại dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân..
Từ ngàn năm qua, đền Chợ Củi nổi tiếng linh thiêng, dân gian truyền rằng người thành tâm thì cầu gì được nấy. Vì vậy, không chỉ người dân Hà Tĩnh mà du khách thập phương cũng về đền Củi vãn cảnh, hành lễ cầu bình an, công danh, tài lộc…
Lễ giỗ Đức thánh quan Hoàng Mười là hoạt động văn hóa tâm linh nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân đồng thời tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ.